Cắt gạch là công đoạn quan trọng trong thi công xây dựng và trang trí nội thất. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao và đảm bảo chất lượng, việc lựa chọn phương pháp cắt phù hợp là rất cần thiết. Dưới đây là top 5 cách cắt gạch thông dụng và hiệu quả, được sử dụng phổ biến, giúp bạn dễ dàng thực hiện các công việc cắt gạch một cách chính xác và nhanh chóng.

I. Tại sao việc lựa chọn cách cắt gạch phù hợp lại cực kỳ quan trọng?

Trong thi công hoàn thiện nội thất, ốp lát là một trong những công đoạn mang tính quyết định đến cả tính thẩm mỹ lẫn độ bền của công trình. Và trong công đoạn này, việc cắt gạch – tuy nhỏ – lại là mắt xích cực kỳ quan trọng mà nhiều người thường đánh giá chưa đúng mức. 

Lựa chọn cách cắt gạch men phù hợp theo kích thước, khu vực
Lựa chọn cách cắt gạch ốp lát phù hợp theo kích thước, vật liệu, khu vực là cực kỳ quan trọng

1. Cắt gạch là chìa khóa để tạo nên độ hoàn thiện cao

Một công trình ốp lát đẹp không chỉ nhờ vào việc chọn đúng loại gạch hay thi công thẳng hàng, mà còn phụ thuộc vào các viên gạch được cắt chính xác ở những vị trí bắt buộc như góc tường, chân tường, khu vực bo cong, xung quanh ổ điện, ống nước, v.v.

Nếu gạch không được cắt đúng kỹ thuật, đường cắt sẽ bị lệch, mẻ hoặc không đều, dẫn đến việc mạch gạch bị lệch, khe hở lớn, thậm chí phá vỡ tổng thể bố cục đã được thiết kế ban đầu.

2. Tiết kiệm vật tư, giảm thất thoát

Việc sử dụng đúng phương pháp cắt sẽ giúp giảm tỉ lệ gạch bị hỏng, vỡ khi thao tác. Điều này đặc biệt quan trọng khi thi công với các loại gạch cao cấp, có giá trị cao hoặc gạch đặt theo kích thước riêng. Một vài viên gạch bị hư có thể khiến tổng chi phí đội lên đáng kể, nhất là trong các công trình lớn.

3. Tối ưu hiệu suất thi công

Thợ thi công chuyên nghiệp luôn hiểu rằng tốc độ không bao giờ được đặt trên sự chính xác. Nhưng nếu bạn có công cụ phù hợp và biết cách cắt đúng kỹ thuật, bạn sẽ vừa đảm bảo độ chính xác cao, vừa nâng cao hiệu suất làm việc – hạn chế việc phải cắt lại, chỉnh sửa hay thay thế gạch sau khi đã ốp xong.

4. Tăng độ bền và tuổi thọ công trình

Những viên gạch cắt méo, bị sứt mẻ thường là điểm yếu trong toàn bộ bề mặt ốp lát. Chúng dễ bị nứt, vỡ sau một thời gian sử dụng, đặc biệt trong môi trường ẩm ướt như phòng tắm, nhà bếp. Cắt gạch đúng cách góp phần bảo đảm kết cấu bề mặt được liên kết chắc chắn, từ đó giúp công trình bền vững và ổn định hơn theo thời gian.

Chính vì những lý do trên, việc đầu tư đúng mực cho kỹ thuật cắt gạch – từ kiến thức, kỹ năng đến dụng cụ – không chỉ giúp công trình đẹp và chuẩn hơn, mà còn thể hiện tư duy làm nghề chuyên nghiệp của người thi công.

Để thuận tiện hơn cho việc lựa chọn được phương pháp cắt gạch ốp lát phù hợp, hãy cùng tham khảo các cách cắt gạch thông dụng và các đánh giá của Hùng Lan ngay sau đây nhé!

II. Các cách cắt gạch ốp lát thủ công bằng tay

Cắt gạch không cần máy có thể thực hiện bằng các phương pháp thủ công đơn giản, mang lại hiệu quả cao trong thi công, cùng Hùng Lan khám phá ngay: 

1. Dùng dao cắt gạch chuyên dụng

Bộ dao cắt gạch men, cắt kính chuyên dụng là dụng cụ không thể thiếu trong các công việc ốp lát, thi công nội thất hoặc cắt kính mỏng tại gia đình. Sản phẩm có cấu tạo đơn giản nhưng hiệu quả, gồm phần tay cầm chắc chắn bằng nhựa hoặc hợp kim, lưỡi dao cắt được làm từ thép cứng hoặc hợp kim tungsten phủ đầu kim cương nhân tạo – cho khả năng rạch chính xác và sắc nét. Một số mẫu cao cấp còn tích hợp bầu dầu tự động, giúp bôi trơn khi cắt, giảm ma sát và nâng cao tuổi thọ lưỡi dao. 

Chức năng chính của bộ dao là dùng để rạch mặt gạch men, kính hoặc mica theo đường thẳng, sau đó dùng lực nhẹ để bẻ tách gạch theo đường cắt đã rạch. Nhờ thiết kế nhỏ gọn, thao tác dễ dàng và giá thành hợp lý, đây là công cụ lý tưởng cho cả thợ chuyên nghiệp lẫn người dùng muốn tự tay hoàn thiện các chi tiết nhỏ trong công trình.

Bộ dao cắt gạch men, cắt kính chuyên dụng

Các bước thực hiện 

Bước 1:  Đo và đánh dấu đường cắt

Dùng thước đo chính xác kích thước và vẽ đường cắt lên bề mặt gạch bằng bút chì để căn chỉnh dao dễ dàng.

Bước 2: Cố định gạch và đảm bảo bề mặt phẳng

Đặt gạch lên bề mặt phẳng và dùng kẹp hoặc tay giữ chặt gạch để tránh di chuyển khi cắt.

Bước 3: Thực hiện đường cắt với dao

Cầm dao chắc chắn và ấn nhẹ theo đường đã đánh dấu, lặp lại quá trình để tạo đường cắt sâu và sắc nét.

Bước 4: Bẻ gạch theo đường cắt

Đặt gạch ở mép bàn hoặc bề mặt chắc chắn và dùng tay hoặc thanh gỗ để bẻ gạch theo đường cắt mà không làm vỡ.

Ưu điểm

  • Dễ sử dụng, không cần điện, phù hợp cho các công việc nhỏ hoặc chi tiết.
  • Chi phí thấp, chỉ cần đầu tư 1 lần là có thể dùng lâu dài.
  • Nhẹ, gọn, dễ mang theo khi làm việc tại công trình hoặc sử dụng trong gia đình.
  • Độ chính xác cao, đặc biệt khi cắt gạch men để ốp viền, góc hẹp.

Nhược điểm

Đối với phương pháp cắt gạch bằng dao thủ công, lực tay phải đều và chính xác mới đảm bảo đường cắt đẹp.

Lưu ý:

Chỉ nên dùng cho gạch mỏng hoặc gạch men trơn – không phù hợp với gạch dày, gạch đá, gạch granite và các vật liệu có độ cứng cao. Không thao tác cắt vật liệu trên cao, tránh trường hợp các mảnh vỡ có thể rơi xuống gây nguy hiểm cho người sử dụng. Nên vệ sinh dao thường xuyên và kiểm tra lưỡi cắt, thay thế nếu bị cùn.

2. Dùng kìm cắt gạch

Kìm cắt gạch men là dụng cụ chuyên dụng để bẻ gạch sau khi đã rạch bằng dao cắt gạch, giúp đảm bảo tính thẩm mỹ và độ chính xác cho các công trình ốp lát. Bộ phận chính của kìm bao gồm thân kìm làm bằng thép cứng, tay cầm bọc cao su hoặc nhựa chống trượt giúp người sử dụng dễ dàng cầm nắm, và mỏ kẹp có độ cong hợp lý để tạo lực bẻ gạch hiệu quả. Một số loại kìm còn trang bị bánh xe điều chỉnh độ mở, cho phép sử dụng với nhiều loại gạch có độ dày khác nhau.

Kìm cắt gạch
Kìm cắt gạch

Kìm cắt gạch hoạt động theo cơ chế bẻ gạch theo đường rạch đã được đánh dấu trước. Đầu tiên, bạn sử dụng dao cắt gạch để rạch một đường trên bề mặt viên gạch, sau đó dùng kìm để kẹp hai bên đường rạch và bóp chặt. Lực tác động từ tay cầm giúp gạch bị gãy theo đường rạch đã tạo sẵn, tạo ra một đường cắt sạch, không bị mẻ cạnh. Kìm cắt gạch thường được dùng cho các loại gạch men mỏng, gạch ceramic hoặc kính mỏng, và rất hiệu quả trong các công trình đòi hỏi độ chính xác cao.

Với thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng và chi phí hợp lý, kìm cắt gạch men là một công cụ lý tưởng cho cả thợ thi công chuyên nghiệp và người dùng thủ công muốn tự tay thực hiện các công việc cắt gạch tại nhà.

Ưu điểm

  • Dễ sử dụng: Thao tác đơn giản, không cần nhiều kinh nghiệm.
  • Tiết kiệm chi phí: Giá thành thấp, phù hợp với công trình nhỏ hoặc DIY.
  • Chính xác: Đảm bảo đường cắt thẳng, không mẻ cạnh.
  • Nhỏ gọn: Dễ mang theo và sử dụng ở nhiều vị trí khác nhau.
  • An toàn: Không sử dụng điện, giảm nguy cơ tai nạn.

Nhược điểm:

  • Chỉ dùng được với gạch mỏng: Không cắt được gạch dày hoặc đá granit.
  • Khả năng cắt hạn chế: Không thể cắt gạch lớn hoặc theo hình cong.
  • Độ bền phụ thuộc vào chất liệu: Kìm kém chất lượng có thể nhanh hỏng.

Lưu ý khi sử dụng

  • Lựa chọn gạch phù hợp: Dùng cho gạch men mỏng.
  • Kiểm tra lưỡi kìm: Đảm bảo không mòn hay hỏng.
  • Rạch đường thẳng: Sử dụng dao cắt gạch để rạch đường chuẩn trước khi bẻ.
  • Sử dụng lực vừa đủ: Tránh làm gạch vỡ không đều.
  • Đeo kính bảo hộ: Bảo vệ mắt khỏi mảnh vụn gạch.

3. Máy cắt gạch men bằng tay

Máy cắt gạch men bằng tay là thiết bị cắt gạch thủ công, không dùng điện, được sử dụng phổ biến trong thi công ốp lát dân dụng và chuyên nghiệp. Thiết bị này giúp người dùng cắt gạch men, gạch ceramic mỏng nhanh chóng, chính xác mà không tạo ra bụi hay tiếng ồn lớn như máy cắt điện.

Máy cắt gạch men bằng tay
Máy cắt gạch men bằng tay

Máy cắt gạch men bằng tay có cấu tạo đơn giản nhưng chắc chắn, bao gồm các bộ phận chính như: khung máy, thanh ray dẫn hướng, lưỡi cắt và tay cầm thao tác. Khung máy thường được làm từ kim loại hoặc hợp kim nhôm cứng cáp, giúp cố định gạch và đảm bảo độ ổn định khi cắt. Thanh ray dẫn hướng là nơi gắn lưỡi cắt – thường là bánh xe hợp kim siêu cứng – giúp tạo đường rạch thẳng, sắc nét trên bề mặt gạch. Tay cầm kết hợp với cơ chế bẻ gạch được thiết kế liền với hệ thống rạch, cho phép người dùng thực hiện thao tác cắt và bẻ gạch một cách liên tục, thuận tiện. Một số máy còn trang bị thêm thước đo và bệ đỡ gạch để tăng độ chính xác trong quá trình thi công.

Cách thực hiện:

  • Rạch mặt gạch: Người dùng đặt viên gạch lên bàn máy, căn chỉnh theo thước đo, sau đó dùng tay đẩy tay cầm cho bánh xe lướt nhẹ trên bề mặt gạch để tạo đường rạch.
  • Bẻ gạch: Sau khi rạch, nhấn nhẹ tay cầm để tạo lực bẻ tách gạch theo đường đã rạch. Gạch sẽ gãy ra theo đường cắt một cách gọn gàng, không mẻ cạnh.

Ưu điểm:

  • Không dùng điện: An toàn, tiết kiệm chi phí vận hành.
  • Ít bụi, ít ồn: Thân thiện với môi trường làm việc.
  • Dễ mang theo: Thiết kế gọn nhẹ, phù hợp với thợ thi công di động.
  • Chính xác: Đường cắt thẳng, sạch, thẩm mỹ cao nếu thao tác đúng kỹ thuật.

Nhược điểm:

  • Giới hạn về độ dày gạch: Không thể cắt được gạch quá dày hoặc gạch cứng như granite.
  • Chiếm không gian: Máy có thể cồng kềnh, khó di chuyển trong các không gian hẹp.

Lưu ý:

  • Chỉ phù hợp với gạch mỏng, không dùng cho gạch đá dày hoặc granite.
  • Cần rạch đúng kỹ thuật và đều tay để gạch không bị vỡ lệch.

III. Các cách cắt gạch ốp lát bằng máy

Phương pháp cắt gạch bằng máy giúp thực hiện các đường cắt chính xác và nhanh chóng, phù hợp với nhiều loại gạch khác nhau. Tìm hiểu 3 phương pháp cắt gạch bằng máy hữu dụng nhất dưới đây: 

1. Sử dụng máy cưa đĩa cầm tay

Máy cưa đĩa cầm tay là giải pháp mạnh mẽ và nhanh chóng khi cần cắt gạch men, đặc biệt trong các công trình xây dựng và sửa chữa. Với kỹ thuật sử dụng đúng cách, bạn có thể tạo ra những đường cắt thẳng, dứt khoát và đẹp mắt trên nhiều loại vật liệu khác nhau. Loại thiết bị này có thể  giúp bạn thi công cắt các loại vật liệu cứng như bê tông, gạch men, gạch đá tự nhiên,... 

Các cách cắt gạch bằng máy
Cắt gạch sử dụng máy cưa đĩa cầm tay

Lưỡi dao là một trong những bảo phận quan trọng khi bạn sử dụng máy cắt, nên bạn cần lựa chọn cẩn thận sao cho phù hợp với gạch, vật liệu muốn cắt và máy cắt của bạn đang dùng.

Mài cạnh, đánh bóng gạch

Một số loại lưỡi cần thiết trong cắt gạch:

  • Cắt gạch men thường, cắt các loại men bóng kiếng: Lưỡi 8 mm.
  • Cắt gạch men thường hoặc men đá: Lưỡi 10 mm.
  • Cắt gạch bóng kiếng 2 đá, gạch men đá: Lưỡi 18 mm.

Ưu điểm

  • Cắt nhanh, mạnh, dễ thao tác trên nhiều loại gạch dày, cứng.
  • Hiệu suất cao, phù hợp với công việc thi công liên tục.
  • Có thể cắt thẳng, cắt xiên, tạo rãnh tùy theo kỹ năng người dùng.

Nhược điểm

  • Không phù hợp để cắt đường cong hoặc chi tiết nhỏ.
  • Gây bụi, tiếng ồn lớn khi cắt khô.

Lưu ý

  • Luôn sử dụng đĩa cắt chuyên dụng cho gạch để đảm bảo an toàn và độ bền lưỡi.
  • Không đè quá mạnh, tránh gãy đĩa hoặc làm nứt viên gạch.

2. Máy cắt gạch để bàn

Máy cắt gạch để bàn là dòng máy chuyên dụng trong ngành xây dựng và thi công ốp lát, được thiết kế để cắt các loại gạch men, gạch đá, gạch granite hoặc đá tự nhiên một cách chính xác, nhanh và thẩm mỹ cao. Đây là dòng máy cắt gạch men này có thiết kế cố định, được đặt trên bàn cao hoặc mặt phẳng nâng cao hơn mặt đất để thực hiện cắt. Thiết bị này rất phổ biến trong các xưởng thi công chuyên nghiệp hoặc những công trình yêu cầu sản lượng cắt lớn và độ đồng đều cao.

Máy cắt gạch để bàn
Máy cắt gạch để bàn

Ưu điểm

  • Cắt nhanh, thẳng, chính xác và cho mép cắt đẹp, ít sứt mẻ.
  • Có thể cắt được nhiều loại gạch có độ dày lớn hoặc vật liệu cứng.
  • Hệ thống làm mát giúp giảm bụi và tăng tuổi thọ lưỡi cắt.
  • Phù hợp cho thi công quy mô lớn, liên tục với hiệu suất cao.

Nhược điểm

  • Cồng kềnh, khó di chuyển, chỉ phù hợp để đặt cố định tại công trình hoặc xưởng.
  • Chủ yếu chỉ cắt được đường thẳng, không linh hoạt trong đường cong hoặc khoét lỗ.

3. Dùng máy cưa lọng cầm tay

Máy cưa lọng cầm tay là thiết bị đa năng thường được sử dụng trong các ngành mộc và cơ khí, nhưng thực tế còn rất hiệu quả khi ứng dụng vào thi công ốp lát, đặc biệt là với gạch men. Nhờ khả năng thay lưỡi linh hoạt và thao tác chính xác, máy cho phép cắt, khoét lỗ với độ chi tiết cao trên bề mặt gạch mà không gây nứt vỡ như các loại máy đục thông thường.

cách cắt gạch men bằng máy cưa lọng cầm tay
Cách cắt gạch men bằng máy cưa lọng cầm tay

Trong thi công thực tế, khi cần tạo lỗ để lắp vòi nước, ổ điện hay phụ kiện treo tường, máy cưa lọng với lưỡi chuyên dụng cho gạch men sẽ là giải pháp tối ưu. Cơ chế hoạt động dạng lưỡi cưa chuyển động thẳng đứng giúp máy có thể xử lý các đường cắt cong, cắt lỗ tròn hoặc chi tiết uốn lượn một cách an toàn, không ảnh hưởng đến các vùng gạch xung quanh. Đây là lựa chọn phù hợp cho các công việc đòi hỏi độ tỉ mỉ và kiểm soát đường cắt cao.

Các bước thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ

Máy cưa lọng cầm tay,Lưỡi cưa chuyên dụng cho gạch men (phủ kim cương hoặc hợp kim cứng),  các dụng cụ bảo hộ lao động như: kính bảo hộ, khẩu trang, găng tay, bút dạ đánh dấu

Bước 2: Đánh dấu đường cắt

Xác định vị trí và hình dạng cần cắt (thẳng, cong, tròn, chữ U...) rồi dùng bút dạ kỹ thuật vẽ lên bề mặt viên gạch.

Bước 3: Gắn lưỡi cưa phù hợp

Lắp đúng loại lưỡi cưa phù hợp với gạch men, siết chặt theo đúng hướng dẫn để đảm bảo an toàn khi vận hành.

Bước 4: Cố định viên gạch

Dùng kẹp giữ hoặc đặt viên gạch chắc chắn trên bàn làm việc để tránh rung lắc khi cắt.

Bước 5: Tiến hành cắt

Bật máy và di chuyển đều tay theo đường đã đánh dấu. Với đường cong hoặc chi tiết nhỏ, cần thao tác chậm và chính xác.

Bước 6: Làm mịn cạnh cắt (nếu cần)

Dùng giấy nhám hoặc máy mài cầm tay để làm nhẵn các mép cắt, tránh sắc cạnh hoặc mẻ gạch.

Ưu điểm

  • Cắt được nhiều hình dạng phức tạp như cong, tròn, chữ U, rất phù hợp với các vị trí gắn vòi nước, ổ điện, phụ kiện.
  • Chính xác và thẩm mỹ cao nếu thao tác đúng kỹ thuật.
  • Dễ điều khiển, linh hoạt, không cần nhiều không gian thi công.
  • Thích hợp cho thi công hoàn thiện, sửa chữa tại nhà hoặc công trình nhỏ.

Nhược điểm

  • Tiếng ồn: Tạo tiếng ồn lớn, cần biện pháp bảo vệ tai.
  • Yêu cầu kỹ năng: Cần kỹ năng và kinh nghiệm để sử dụng an toàn và hiệu quả.
  • Giới hạn độ sâu cắt: Một số máy cưa lọng không cắt sâu qua vật liệu dày.

4. Dùng máy cắt gạch tia nước 

Máy cắt tia nước (Waterjet) là công nghệ tiên tiến sử dụng áp lực nước cực cao – có thể kết hợp với hạt mài – để cắt gạch men, đá tự nhiên, đá granite, đá hoa cương,... một cách chính xác mà không làm nứt, vỡ hay mẻ cạnh. Đây là lựa chọn hàng đầu trong các xưởng gia công gạch, đá cao cấp hoặc các công trình yêu cầu đường cắt phức tạp, sắc nét.

Tia nước mảnh được phun ra với vận tốc siêu cao, kết hợp với hạt mài sẽ mài mòn và cắt xuyên vật liệu theo hình dạng mong muốn mà không tạo nhiệt, không gây biến dạng.

máy cắt gạch tia nước cnc
Máy cắt gạch tia nước cnc

Ưu điểm

  • Đường cắt siêu sắc nét, không mẻ mép – đặc biệt hiệu quả khi cắt hoa văn, chữ, họa tiết.
  • Không tạo nhiệt, không ảnh hưởng đến cấu trúc vật liệu.
  • Cắt được nhiều vật liệu khác nhau: gạch men, đá tự nhiên, kính, kim loại mỏng…
  • Có thể lập trình CNC để cắt hình dạng phức tạp, tiết kiệm công sức thủ công.

Nhược điểm

  • Chi phí đầu tư cao, chỉ phù hợp với xưởng sản xuất hoặc công trình chuyên nghiệp.
  • Kích thước máy lớn, cần không gian và hệ thống vận hành riêng.
  • Không phù hợp cho các công trình dân dụng nhỏ lẻ hoặc sửa chữa tại chỗ.

IV. Những lưu ý quan trọng khi thi công các cách cắt gạch

Khi thi công ốp lát gạch, việc cắt gạch chính xác và an toàn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các kỹ thuật cắt gạch sao cho hiệu quả và tránh được những lỗi không đáng có. Dưới đây showroom Hùng Lan đã tổng kết lại một số lưu ý cơ bản mà bạn cần lưu tâm khi cắt gạch để đảm bảo công việc diễn ra suôn sẻ, giúp bạn có được những đường cắt đẹp, chính xác và an toàn nhất.

Chọn đúng dụng cụ cắt gạch

Mỗi loại gạch và mục đích thi công sẽ phù hợp với một loại dụng cụ khác nhau. Với những viên gạch lớn, dày hoặc cần cắt số lượng nhiều, bạn nên sử dụng máy cắt để bàn hoặc máy bàn đẩy. Ngược lại, nếu chỉ cắt chi tiết nhỏ, khoét lỗ hoặc tạo đường cong, bạn có thể dùng máy cưa lọng, cưa đĩa hoặc dao cắt gạch. Việc chọn sai dụng cụ sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác và độ bền của gạch.

Đảm bảo an toàn trong quá trình cắt

Khi thi công, an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Người thợ cần trang bị đầy đủ kính bảo hộ, khẩu trang và găng tay để tránh bụi và mảnh vỡ. Nơi làm việc nên thoáng khí, đủ ánh sáng. Đặc biệt, cần ngắt nguồn điện hoàn toàn trước khi thay lưỡi cắt hoặc vệ sinh máy để tránh rủi ro.

Cố định viên gạch chắc chắn

Viên gạch trước khi cắt cần được cố định trên một mặt phẳng vững chắc, tránh để rung lắc hoặc trượt trong quá trình thao tác. Nếu gạch bị xê dịch, đường cắt sẽ dễ bị lệch, làm mẻ mép hoặc ảnh hưởng đến độ chính xác khi ốp lát.

Đo vẽ và đánh dấu rõ ràng trước khi cắt

Trước khi tiến hành cắt, bạn cần đo chính xác và dùng bút chì kỹ thuật để đánh dấu đường cắt rõ ràng. Với các đường cắt phức tạp như lỗ tròn, hình cong, có thể sử dụng thêm khuôn mẫu để canh chuẩn xác hơn.

Cắt đều tay, không đè mạnh

Khi thao tác, nên cắt từ từ, đều tay và để lưỡi cắt tự vận hành. Việc ép mạnh sẽ dễ làm nứt gạch hoặc khiến đường cắt bị lệch, kém thẩm mỹ. Đối với những loại gạch dày, nên cắt nhiều lần theo từng lớp mỏng để đảm bảo an toàn và độ sắc nét.

Ưu tiên cắt có nước để giảm bụi

Nếu có điều kiện, nên sử dụng máy có hệ thống làm mát bằng nước. Nước giúp giảm bụi, hạn chế nhiệt phát sinh và tăng tuổi thọ cho lưỡi cắt. Trong trường hợp không có hệ thống phun nước, có thể dùng bình xịt thủ công hỗ trợ.

Làm sạch và mài mép sau khi cắt

Sau khi hoàn tất, bạn nên dùng đá mài hoặc giấy nhám để xử lý phần mép cắt. Việc này giúp mép gạch mịn hơn, tránh gây trầy xước khi ốp lát và tăng tính thẩm mỹ cho công trình.

Trên đây, Hùng Lan đã tổng hợp các cách cắt gạch thông dụng, hiệu quả và được sử dụng phổ biến trong thi công và trang trí. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng, giúp bạn dễ dàng lựa chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu và đặc điểm công trình của mình. Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm những kiến thức hữu ích để thực hiện công việc cắt gạch một cách chính xác, tiết kiệm và đạt được kết quả thẩm mỹ cao nhất.